Làm gì đó luôn tốt hơn là ngồi không
01/02/2018 14:02Hầu hết mọi người đều không cảm thấy thoải mái trong chính tâm trí của họ, theo một điều tra mới về tâm lý học dẫn đầu bởi trường Đại học Virginia cho biết.
Điều tra mới nói trên phát hiện thấy, phần lớn mọi người đều thích làm việc gì đó – thậm chí có thể là làm đau chính bản thân họ - hơn là chẳng làm gì cả hoặc ngồi một mình với các suy nghĩ trong đầu, các nhà nghiên cứu cho hay. Các phát hiện đã được trình bày ngày 4/7/2014 trên tạp chí Science.
Trong một chuỗi gồm 11 nghiên cứu, nhà tâm lý học Timothy Wilson cùng các đồng nghiệp tại trường đại học Virginia và trường Đại học Harvard phát hiện thấy, những người tham gia nghiên cứu thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau thường không thích dành thời gian dù chỉ là thời gian ngắn để ở một mình trong phòng và không làm gì ngoài việc suy nghĩ, cân nhắc hoặc mơ mộng. Những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu, đa số đều thích thực hiện các hoạt động bên ngoài như nghe nhạc hoặc dùng điện thoại thông minh. Thậm chí một số người còn thích việc gây cho mình các shock điện nhẹ hơn là để đầu óc suy nghĩ.
“Những người trong chúng ta tận hưởng thời gian nghỉ ngơi để suy nghĩ cho rằng những phát hiện như những kết quả của nghiên cứu này thật đáng ngạc nhiên – tôi cũng vậy – nhưng những tình nguyện viên trong nghiên cứu đã cho thấy họ thích làm việc gì đó hơn là chẳng làm gì và quẩn quanh với suy nghĩ của họ trong một khoảng thời gian thậm chí rất ngắn", Wilson nói.
Khoảng thời gian mà Wilson và các đồng nghiệp của ông đề nghị những tình nguyện viên ở một mình và suy nghĩ kéo dài từ 6 – 15 phút. Nhiều nghiên cứu đầu trong chuỗi các nghiên cứu bao gồm các tình nguyện viên là sinh viên đại học, hầu hết họ đã báo cáo rằng “thời gian suy nghĩ” không dễ chịu gì và thật khó để tập trung. Vì vậy Wilson đã thực hiện nghiên cứu khác với các tình nguyện viên ở nhiều độ tuổi, địa vị rộng hơn, trong độ tuổi từ 18 tới 77, và phát hiện thấy cùng những kết quả như vậy.
“Điều đó thật đáng ngạc nhiên – ngay cả những người cao tuổi hơn cũng không cho thấy bất cứ sự ưa thích nào đối với việc suy nghĩ đơn độc”, Wilson cho biết.
Ông không quy điều này cho sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại, hoặc sự lan tràn của các thiết bị điện tử hiện có, chẳng hạn như điện thoại thông minh. Thay vào đó, ông nghĩ rằng những thiết bị có thể là một phản ứng với mong muốn của con người là luôn có việc gì đó để làm. Trong bài báo nghiên cứu của mình, Wilson lưu ý rằng các khảo sát trên diện rộng đã chứng minh con người thường không thích tách mình ra khỏi thế giới, và khi họ làm điều đó, họ đặc biệt không thấy thích thú. Theo những nghiên cứu của các nhà khoa học nói trên, những người Mỹ thường dành thời gian để xem truyền hình, hội họp hoặc đọc sách báo, và thật sự dành rất ít hoặc không dành chút thời gian nào để “thư giãn hoặc suy nghĩ”.
Trong một số thí nghiệm của Wilson, các tình nguyện viên được đề nghị ngồi một mình trong một căn phòng trống không trong một phòng thí nghiệm không có điện thoại, không có thứ gì để đọc hoặc viết lách, và dành thời gian từ 6 – 15 phút – tùy vào nghiên cứu – giải trí với những suy nghĩ của chính họ. Tiếp đó, những người tham gia nghiên cứu sẽ trả lời các câu hỏi về lượng thời gian mà họ trải qua một cách dễ chịu và họ có cảm thấy khó tập trung hay không, cùng với các câu hỏi khác nữa.
Phần lớn đã báo cáo rằng họ cảm thấy khó tập trung và đầu óc họ lơ đễnh, mặc dù không có gì cạnh tranh với sự chú ý của họ. Trung bình những tình nguyện viên đều không thích thời gian đã trải qua. Cùng một kết quả như vậy đã được phát hiện trong các nghiên cứu rộng thêm khi những tình nguyện việc được cho phép dành thời gian ở một mình với các suy nghĩ của chính họ tại nơi ở của họ.
“Chúng tôi đã phát hiện thấy khoảng một phần ba đã thừa nhận rằng họ đã “gian dối” tại nhà bằng cách thực hiện một số hoạt động, ví dụ như nghe nhạc hoặc dùng điện thoại, hoặc rời khỏi ghế ngồi”, Wilson nói. “Và họ không thích trải qua thí nghiệm này ở nhà hơn chút nào so với ở phòng thí nghiệm”.
Một thí nghiệm bổ sung một cách ngẫu nhiên những người tham gia dành thời gian với các suy nghĩ của họ hoặc cùng khoảng thời gian như vậy để hoạt động bên ngoài, như đọc sách báo hoặc nghe nhạc, nhưng không tiếp xúc với những người khác. Những người đã thực hiện các hoạt động cho biết, họ thoải mái hơn so với những người được đề nghị chỉ suy nghĩ mà không làm gì, và họ thấy dễ tập trung hơn và tâm trí họ bớt lơ đãng hơn. Các nhà nghiên cứu đã tiếp tục nghiên cứu xa hơn. Vì hầu hết mọi người thích có việc gì đó để làm hơn là chỉ suy nghĩ, do vậy các nhà nghiên cứu băn khoăn “Liệu họ sẽ thích làm những hoạt động không dễ chịu hơn là không làm gì cả hay không?”
Các kết quả cho thấy rất nhiều người sẽ làm vậy. Những tình nguyện viên được đưa vào tình huống giống như hầu hết các nghiên cứu trước đó, cùng với việc bổ sung một khả năng gây ra một shock điện nhỏ cho chính họ bằng cách bấm một cái nút.
12/18 nam giới trong nghiên cứu đã gây ra cho họ ít nhất một cú schock điện trong suốt 15 phút “suy nghĩ” của nghiên cứu. So sánh với đó, 6/24 phụ nữ đã bấm nút shock điện. Tất cả những tình nguyện viên này đã nhận được cùng một loại shock điện và đã báo cáo rằng họ sẽ tránh bị shock lần nữa.
Điểm nổi bật, các nhà nghiên cứu viết: “đó là chỉ việc ở một mình với chính những suy nghĩ của mình trong vòng 15 phút không dễ chịu đến nỗi nó làm nhiều người gây cho bản thận một cú shock điện mà trước đó họ nói rằng sẽ tránh xa". Wilson và các đồng nghiệp của ông nhấn mạnh rằng nam giới có xu hướng tìm “cảm giác” hơn so với phụ nữ, điều này có thể giúp giải thích tại sao 67% nam giới tự gây shock điện cho bản thân so với tỉ lệ này là 25% ở nữ giới.
Wilson cho biết ông và các đồng nghiệp vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để xác định các nguyên nhân tại sao con người lại khó ở một mình với các suy nghĩ riêng của họ. Mọi người thích mơ mộng hoặc tưởng tượng trong nhiều lúc, ông nói, nhưng những kiểu suy nghĩ này là dễ chịu nhất khi chúng xảy ra một cách tự nhiên, và là khó khăn để ép buộc.
“Tư duy được thiết lập để gắn kết với thế giới”, ông nói. “Ngay cả khi chúng ở một mình, sự tập trung của chúng ta thường là về thế giới bên ngoài. Và thiếu tập luyện về thiền định hoặc các kỹ thuật kiểm soát suy nghĩ, điều đó vẫn là khó khăn, hầu hết mọi người thích gắn kết với các hoạt động bên ngoài”.
Theo Khoa học
Ghi rõ nguồn khi sao chép