Tình hình giá cả thị trường tháng 2/2016
01/02/2018 14:02Thời gian cao điểm Tết Nguyên Đán Bính Thân 2016 rơi trọn trong tháng 2/2016, thị trường hàng hoá sôi động hơn vào tháng 2/2016 nhất là thời điểm từ 23 Tháng Chạp đến ngày 28,29 Tết (từ ngày 01/2/2016 đến ngày 06,07/2/2016). Nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên thị trường dồi dào, phong phú, đáp ứng nhu cầu và có nhiều sự lựa chọn cho người dân. Giá cả thị trường trong và sau Tết cơ bản ổn định trên phạm vi cả nước. Một số nhóm hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy hải sản), đồ uống, thuốc lá, quần áo, giầy dép… tăng vào một số thời gian cao điểm theo quy luật Tết hàng năm, không có hiện tượng sốt giá. Cụ thể giá một số hàng hóa thiết yếu như sau:
Lúa gạo: Tại miền Bắc, giá thóc, gạo tẻ thường tiếp tục ổn định so với tháng 12/2015. Giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.000 – 6.500 đồng/kg, giá một số loại thóc chất lượng cao hơn phổ biến ở mức 7.500 – 8.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.000 -13.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lúa, gạo tháng 02/2016 giảm nhẹ so với tháng 01/2016 do nguồn cung dồi dào. Cụ thể: Giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.050 – 5.250 đồng/kg, giảm khoảng 100 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm dao động từ 7.200 – 7.500 đồng/kg, giảm khoảng 100 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.700 – 7.100 đồng/kg, giảm khoảng 200 đồng/kg.
Thực phẩm tươi sống: Trong tháng 2/2016, thị trường thực phẩm phục vụ Tết Bính Thân nhìn chung cung cầu đảm bảo, giá cả biến động theo quy luật thông thường, không tăng đột biến, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Giá cả một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tuy có tăng cao tại một số thời điểm do nhu cầu và đặc thù mặt hàng, tuy nhiên tới nay đã ổn định trở lại. So với Tết năm trước, đa phần các mặt hàng ở mức tương đương, riêng rau củ quả giá cao hơn (tại các tỉnh phía Bắc), tại các tỉnh phía Nam, giá rau củ quả nhìn chung ổn định, chỉ tăng trong thời gian nghỉ tết, tuy nhiên mức tăng không đột biến. Cụ thể: Thịt lợn hơi ổn định: Tại miền Bắc, giá phổ biến khoảng 44.000 – 50.000 đồng/kg; tại Miền Nam, giá phổ biến khoảng 42.000 – 47.000 đồng/kg. Thịt bò thăn: Giá phổ biến khoảng 260.000 – 275.000 đồng/kg, tăng 5.000-10.000 đồng/kg. Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch: Giá phổ biến ở mức 120.000 – 130.000 đồng/kg, tăng 10.000 – 15.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn ở mức 55.000 – 65.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg.
Giá một số loại rau, củ, quả tăng so với tháng trước. Bắp cải phổ biến 17.000 – 20.000 đồng/kg, tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg; khoai tây phổ biến 20.000 – 25.000 đồng/kg, tăng 2.000 – 5.000 đồng/kg; cà chua phổ biến 20.000 – 30.000 đồng/kg, tăng 4.000 – 5.000 đồng/kg.
Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản: Cá chép phổ biến 80.000 – 85.000 đồng/kg; tôm sú phổ biến 200.000 – 220.000 đồng/kg, tăng 15.000 – 33.000 đồng/kg; cá quả phổ biến 120.000 – 130.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg.
Phân bón urê: Giá phân bón urê trong nước giảm so với tháng 1/2016. Tại miền Bắc, mức giá phổ biến khoảng 7.500 – 7.800 đồng/kg, giảm 400 – 500 đồng/kg; tại miền Nam, mức giá phổ biến khoảng 7.200 – 7.600 đồng/kg, giảm 600 – 700 đồng/kg.
Muối: Giá muối phía Bắc giữ ổn định so với tháng trước, giá muối khu vực Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm do tồn kho cao, cụ thể: miền Bắc từ 1.200 – 2.500 đồng/kg; Nam Trung Bộ: muối thủ công từ 400 – 950 đồng/kg, muối công nghiệp từ 650 – 750 đồng/kg (giảm 200 đồng/kg); Đồng bằng sông Cửu Long từ 400 – 1.000 đồng/kg (giảm 200 đồng/kg).
Thức ăn chăn nuôi: Giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cho lợn thịt ổn định so với tháng 01/2016. Hiện giá bán buôn thức ăn hỗn hợp cho gà thịt khoảng 9.310 – 10.010 đồng/kg, giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt khoảng 8.140 – 8.880 đồng/kg.
Đường: Giá bán lẻ đường vẫn ổn định ở khoảng 17.000 – 19.000 đồng/kg.
Xi măng: Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, giá bán lẻ xi măng tháng 02/2016 cơ bản ổn định so với tháng 01/2016; tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1.050.000 – 1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000 – 1.850.000 đồng/tấn.
Thép: Giá bán lẻ thép xây dựng tháng 02/2016 tại một số tỉnh miền Bắc, Miền Nam cơ bản ổn định, một số địa bàn tại Hà Nội, Thái nguyên tăng nhẹ từ 50 – 150 đồng/kg so với tháng 01/2016; cụ thể tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động phổ biến ở mức 12.600 – 13.800 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam dao động phổ biến ở mức 12.700 – 13.900 đồng/kg.
Xăng dầu: Căn cứ biến động giá xăng dầu thế giới, trong tháng 02/2016, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 02 lần, cụ thể: Ngày 03/02/2016 (công văn số 1273/BCT-TTTN) và Ngày 18/02/2016 (công văn số 1407/BCT-TTTN). Hiện mức giá xăng dầu như sau: xăng RON 92: 13.750 đồng/lít, xăng E5: 13.320 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S: 9.580 đồng/lít, dầu hỏa: 8.900 đồng/lít và dầu madút 180cst 3,5: 7.220 đồng/kg.
LPG: Do giá CP trên thế giới giảm (67,5 USD/tấn), các doanh nghiệp kinh doanh LPG trong nước điều chỉnh giảm giá khoảng 1.708 – 1.919 đồng/kg tương ứng với mức điều chỉnh giảm khoảng 20.500 – 22.500 đồng/bình 12kg tùy từng doanh nghiệp, từng hình thức, khu vực bán hàng. Cụ thể giá bán lẻ đến người tiêu dùng: Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 258.000 đồng/bình 12kg; giảm khoảng 20.500 đồng/bình 12kg. Khu vực Hà Nội khoảng 246.000 -278.000 đồng/bình 12 kg tùy từng doanh nghiệp (giảm khoảng 21.000 – 22.000 đồng/bình 12kg).
Vàng: Giá bán vàng 99,99% tại các công ty kinh doanh vàng bạc Nhà nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (đầu tháng) dao động lần lượt ở mức 3,294-3,296 triệu đồng/chỉ, đến cuối tháng, giá vàng giảm nhẹ và dao động phổ biến ở mức 3,353-3,356 triệu đồng/chỉ, với mức giảm nhẹ lần lượt là 59.000-60.000 đồng/chỉ.
Đô la: Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá Đôla Mỹ đầu tháng được niêm yết ở mức mua vào/ bán ra là: 22.260-22.330 đồng/USD, đến cuối tháng, tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ lên mức 22.265-22.335 đồng/USD, với cùng mức tăng ở hai chiều mua vào/bán ra là 5 đồng/USD.
Tỷ giá hạch toán giữa Đồng Việt Nam với Đôla Mỹ tháng 3/2016 được Bộ Tài chính công bố áp dụng cho các nghiệp vụ quy đổi và hạch toán thu, chi ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ; quy đổi và hạch toán sổ sách kế toán của Kho bạc Nhà nước là 1USD = 21.884 đồng.
Dự báo: Tháng 3/2016 có nhiều yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá; do đây là tháng sau Tết thị trường hàng hóa tiếp tục dần trở lại bình thường, giá cả các mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm có khả năng giảm nhẹ, nhóm giao thông tiếp tục giảm do giá xăng được điều chỉnh giảm vào ngày 18/2 và có đợt giảm giá của giá cước vận tải… Ngoài ra, chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện tại các địa phương; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan… Tuy nhiên, do tháng 3 là tháng diễn ra nhiều lễ hội trên cả nước, mặt khác một số loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá được điều chỉnh tăng theo lộ trình như giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục… cũng sẽ tác động lên mặt bằng giá./.
Ghi rõ nguồn khi sao chép